So sánh sản phẩm

BỆNH CÚM GIA CẦM Ở GÀ

BỆNH CÚM GIA CẦM Ở GÀ

Bệnh cúm gia cầm (Avian Influenza) 

Bệnh cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm đối với gia cầm, thuỷ cầm và các loài chim. Bệnh có thể lây trực tiếp sang người và gây tử vong.

Bệnh cúm gia cầm xảy ra lần đầu ở nước ta vào tháng 12/2003. Từ đó đến nay, đã có nhiều đợt dịch cúm gia cầm xảy ra ở nhiều tỉnh từ Bắc đến Nam.


 
1. Nguyên nhân gây bệnh                            

Bệnh cúm gia cầm do một virus cúm type A thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra, gồm nhiều phụ type khác nhau: H5N1, H5N2, H7N2, H7N7….

Virus cúm type A có kích thước 80 – 120 nanô mét (nm).

Dựa vào khả năng gây bệnh của virus, người ta đã phân loại các chủng virus cúm gia cầm thuộc type A thành 2 nhóm chính:

– Nhóm chủng virus có độc lực cao (H5, H7 ­và H9) có thể gây nhiễm với tỷ lệ chết đến 100% số gia cầm bệnh, bao gồm: H5N1, H7N7, H7N3.

– Nhóm chủng virus độc lực thấp: thường gây bệnh nhẹ ở gia cầm.

Người cũng có thể nhiễm các chủng virus này với các biểu hiện bệnh lý khác nhau, từ nhẹ cho tới nặng và thậm chí bị chết (do H7N7, H5N1).

* Sức đề kháng của virus cúm

Điều kiện ngoại cảnh có ảnh hưởng rõ rệt đến sức đề kháng của virus cúm H5N1. Virus thường sống lâu hơn trong không khí, ở độ ẩm tương đối thấp.

Virus có thể sống trong chuồng gia cầm tới 35 ngày, trong phân gia cầm bệnh tới 3 tháng.

Virus dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 60 – 700C trong 5 phút. Trong tủ lạnh và tủ đá, virus sống được hàng tháng.

Những chất sát trùng thông thường tiêu diệt được virus cúm gia cầm như: xút 2%, crezin 5%, Chloramin B 3%, cồn 70 – 900, vôi bột hoặc nước vôi 10%, nước xà phòng đặc…

2. Triệu chứng và bệnh tích của bệnh

2.1. Triệu chứng

* Ở gà

Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 3 ngày, kể từ khi nhiễm virus đến khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên.

– Gà sốt cao, ho, thở nhanh, khó thở, chảy nước mắt, chảy nước dãi ở mỏ, phù đầu và mặt, xuất huyết ở vùng da không có lông, đặc biệt ở chân; da tím bầm, lông xù, đứng tụm một chỗ, khát nước, bỏ ăn và chết rất nhanh.

– Có biểu hiện thần kinh như: đi lại không bình thường, loạng choạng, run rẩy, ngoẹo đầu, đi quay vòng.

– Gà bị tiêu chảy mạnh, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh.

– Gà đang đẻ năng suất trứng giảm rõ rệt, thậm chí gà đẻ trứng không có vỏ.

– Trong một số trường hợp, bệnh bùng phát nhanh, trước khi chết con vật không có biểu hiện lâm sàng.

* Ở vịt, ngỗng

– Vịt và ngỗng có triệu chứng ủ rũ, ăn ít, ỉa chảy, các xoang thường có hiện tượng sưng, tích nước.

– Nhiều trường hợp vịt nhiễm virus cúm gia cầm và bài thải virus ra ngoài khi không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và bệnh tích.

2.2. Bệnh tích

– Bệnh tích bên ngoài:

+ Mào và yếm (tích) sưng to, phù quanh mắt.

+ Chỗ da không có lông bị tím bầm.

+ Chân bị xuất huyết

+ Vùng đầu xuất huyết và thâm tím.

– Bệnh tích bên trong:

+ Niêm mạc phế quản phù nề có chứa chất nhầy.

+ Xoang bụng tích nước hoặc có viêm dính.

+ Xuất huyết lốm đốm ở bề mặt niêm mạc

+ Xuất huyết toàn bộ đường tiêu hoá.

3. Chẩn đoán bệnh

– Chẩn đoán lâm sàng: bệnh xảy ra đột ngột, lây lan rất nhanh (gần 100% số con trong đàn bị bệnh). Gia cầm sốt, thở khó, ho, chảy nước mắt, nước dãi, xuất huyết ở vùng da không có lông…, tỷ lệ chết cao.

– Chẩn đoán vi sinh vật: Phân lập và định loại virus cúm từ bệnh phẩm của gia cầm bị bệnh.

– Chẩn đoán miễn dịch: Sử dụng các phương pháp ngưng kết hồng cầu (HI, HA), phương pháp miễn dịch gắn men (ELISA), phương pháp sinh học phân tử PCR… cho kết quả chẩn đoán nhanh và chính xác bệnh cúm gia cầm.

4. Biện pháp phòng trị bệnh

4.1. Phòng bệnh

– Tự túc con giống hoặc mua con giống từ vùng được cơ quan thú y xác nhận là an toàn với dịch cúm gia cầm.

– Không thả tự do thuỷ cầm ở các cánh đồng.

– Không tiêu thụ sản phẩm gia cầm (thịt, trứng) không qua kiểm dịch thú y.

– Thực hiện biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm gồm:

+ Cách ly triệt để: Không nuôi nhiều loại gia cầm và nuôi cùng các vật nuôi khác trong một trại, khi nhập đàn mới phải nuôi cách ly với đàn cũ ít nhất 2 tuần để theo dõi dịch bệnh.

+ Kiểm soát chặt chẽ vận chuyển động vật, sự đi lại của con người, phương tiện vận chuyển, dụng cụ vào trại hoặc qua trại chăn nuôi.

+ Vệ sinh phòng bệnh: Thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng trước khi vào khu vực chăn nuôi. Dụng cụ, phương tiện vận chuyển, máng ăn, máng uống phải được vệ sinh thường xuyên. Ở cổng ra vào trại có hố sát trùng, cửa mỗi ô chuồng có khay sát trùng. Sau mỗi lần xuất chuồng phải thu gom chất độn chuồng để ủ. Quét dọn và khử trùng chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi bằng một trong các loại hoá chất: Chloramin, Benkocid; để trống chuồng 7 – 10 ngày.

+ Nuôi dưỡng bằng thức ăn đảm bảo số lượng và chất lượng, cho uống nước sạch.

+ Sử dụng vắc xin tiêm phòng theo quy trình. Đối với gà, sử dụng vắc xin H5N2 của Intervet và vắc xin H5N1 của Trung Quốc. Đối với vịt và ngan: sử dụng vắc xin chủng H5N1 Trung Quốc. Vị trí tiêm: cơ lườn hoặc 1/3 dưới da cổ phía dưới.

– Giám sát dịch bệnh

+ Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các ổ dịch mới xảy ra.

+ Khi có gia cầm bị bệnh và chết, hộ chăn nuôi phải báo cáo ngay cho cán bộ thú cơ sở.

4.2. Điều trị

– Khi gia cầm bị bệnh cúm, tuyệt đối không điều trị.

– Phải tiêu huỷ gia cầm trong vùng dịch: Không bán chạy, không vứt xác gia cầm chết ra ao, hồ, kênh, rạch, ruộng, vườn.

Phương pháp tiêu huỷ:

+ Chôn gia cầm trong hố sâu 2,5 – 3 mét, phun thuốc sát trùng hoặc đổ vôi bột lên mặt và lấp đất dày 1 – 1,5 mét, nện chặt.

+ Đốt gia cầm: Đốt dưới hố bằng củi, than, xăng, dầu. Sau đó lấp đất, nện chặt.

– Thực hiện tẩy uế, sát trùng tiêu độc toàn bộ chuồng trại, phương tiện và dụng cụ chăn nuôi.

Để trống chuồng ít nhất 2 tháng trước khi nuôi trở lại.

 
Tags:,

ĐĂNG KÝ ĐẠI LÝ.

Chat Facebook